Vì sao hoa quả ở Nhật Bản rất đắt, một quả dưa có thể bán tới nửa tỉ đồng?

]

  1. Văn hóa trái cây siêu đắt Nhật Bản

Các cửa hàng mang biển hiệu Senbikiya tọa lạc ở khu vực phồn hoa của Tokyo với một sảnh vào đẹp đẽ và lộng lẫy.

Thoạt nhìn các cửa hàng này giống như một cửa hàng sang trọng bán quần áo cao cấp và túi hàng hiệu, chỉ khi đi vào mới biết đằng sau các tấm kính là thế giới hoa quả và giá cả không thua kém một chiếc túi Louis Vuitton (LV).

Ngay cả tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc cũng phải cân đo đong đếm để rồi phải ra đi trong hổ thẹn, “Một quả dưa bán với giá 100.000 nhân dân tệ (hơn 15.000 USD, người Nhật thật đáng sợ.”

Nhiều chủ quán giải khát ở Trung Quốc có thể có kinh nghiệm này, trong vài năm trước, khi các đoàn khách du lịch Nhật Bản đến, trái cây sẽ nhanh chóng được tiêu thụ, nhưng hải sản và thịt lại ít được ưa chuộng. Du khách Nhật ăn từng đĩa dưa hấu, trên khuôn mặt lộ rõ ​​vẻ vui mừng.

Những người không hiểu về điều kiện quốc gia của Nhật Bản có thể nghĩ, nền kinh tế Nhật Bản không phải rất phát triển sao, tại sao họ thậm chí không thể ăn dưa hấu? Nhưng thực tế là như thế này. Ở Nhật Bản, trái cây được coi là biểu hiện của bản sắc và địa vị, thậm chí trái cây cao cấp còn có thể được dùng để tặng biếu.

Trưởng khoa Quan hệ xã hội của Đại học Wisconsin - Madison, tiến sĩ Soyeon Shim cho hay đối với người Nhật Bản, việc mua và nhấm nháp trái cây không chỉ đơn thuần là tốt cho sức khỏe, mà còn nhằm thể hiện địa vị xã hội. “Trái cây được xem là vật phẩm xa xỉ, đóng vai trò quan trọng và thể hiện mức độ tỉ mỉ trau chuốt của người mua”. Sự độc nhất vô nhị được thể hiện qua hình dạng hoặc màu sắc của từng loại quả, có nghĩa là làm sao thật nổi bật và khác biệt.

Tất nhiên, không phải loại dưa nào cũng bán được với giá cao ngất trời như vậy. Ngoài Hokkaido, các vùng Kanto và Kyushu của Nhật Bản cũng sản xuất dưa lưới nhưng giá thành thấp hơn nhiều so với dưa Yubari, giá cả nằm trong mức chấp nhận được của tầng lớp trung lưu Nhật Bản.

Hơn nữa, một số lượng lớn trái cây nhập khẩu với chất lượng tốt, giá thành rẻ hoàn toàn có thể đảm bảo cung cấp cho thị trường tiêu dùng Nhật Bản. Chính vì sự phức hợp đặc biệt “sản xuất trong nước tốt hơn, ưu tiên mua hàng nội địa” mà việc có thể mua được trái cây chất lượng cao từ trong nước vẫn là biểu tượng của sức mạnh kinh tế và vị thế trong lòng người dân Nhật Bản.

  1. Nền nông nghiệp Nhật Bản

Sở dĩ người dân Nhật Bản rất tin tưởng và hâm mộ những sản phẩm nông nghiệp của chính họ có liên quan đến đặc điểm phát triển của nền nông nghiệp Nhật Bản.

Do diện tích đất canh tác ít nên trước hết phải đảm bảo đầy đủ đất cung cấp lương thực chính, cho đến ngày nay, tỷ trọng lương thực sản xuất cho tiêu dùng của Nhật Bản đạt 37%. Đối với các nước đang phát triển khác, tỷ lệ thấp như vậy là khá nguy hiểm.

Do đó, không gian trồng trọt còn lại cho các sản phẩm nông nghiệp khác đương nhiên là rất ít ỏi. Thế nên ở Nhật Bản mới xảy ra hiện tượng lạ: nông sản nào cũng trồng được nhưng nông sản nào cũng phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Do điều kiện hạn chế nên Nhật Bản chỉ có thể đi theo con đường phát triển nông nghiệp cao cấp. Koshihikari - loại gạo không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn trên cả thế giới. Tại Nhật, loại gạo này có giá trung bình khoảng 1000 Yen/kg, cao gấp khoảng 10 lần giá gạo ở Việt Nam.

Có câu, muốn làm nông nghiệp tốt thì phải có bí quyết. Nền nông nghiệp cao cấp của Nhật Bản đang đi theo con đường phát triển “ba tinh chế”, đó là định vị chính xác, thiết bị tinh chế và kiểm soát chất lượng tinh chế.

Nếu giá trị sản lượng đất của Trung Quốc là 1 thì Hoa Kỳ là 7, Pháp là 56, Nhật Bản là 128 và Israel là 256. Hai quốc gia hàng đầu trên thế giới đều có diện tích đất canh tác nhỏ và môi trường canh tác khắc nghiệt.

Ngày nay, nông nghiệp Nhật Bản đang đi vào con đường cao cấp và tinh chế, điều này không thể đạt được trong một sớm một chiều.

Vào đầu thế kỷ 20, công nghệ canh tác nông nghiệp địa phương của Nhật Bản còn tương đối lạc hậu, nhiều giống cây trồng hiện có đã được du nhập và ghép từ bên ngoài, và cuối cùng đã được bản địa hóa. Điều này tương tự như mô hình “du nhập, chế biến, cải tiến và xuất khẩu” của nền kinh tế Nhật Bản.

Ngay cả một số rất nhỏ các giống sản xuất trong nước như táo Fuji cũng đã trải qua một quá trình nâng cấp công nghệ lâu dài. Giống táo Fuji đầu tiên là một giống táo tốt được chọn lọc vào năm 1939 tại Cánh đồng Thử nghiệm Cây ăn quả của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản.

Sau quá trình phát triển cải tạo đất, cải tiến gieo hạt, cơ giới hóa, đối với nền nông nghiệp cao cấp của Nhật Bản, điều cần làm là “phá bỏ giới hạn”, và sải bước hướng tới sự hoàn hảo.

Lấy ví dụ như loại dưa Yubari, được mệnh danh là một trong mười loại trái cây xa xỉ hàng đầu thế giới, trong quá trình trồng, cây con phải được nuôi trong nhà kính với sự kiểm soát nhiệt độ nghiêm ngặt, tránh ánh nắng quá mức. Việc thụ phấn và quản lý quả trong thời kỳ sinh trưởng càng khắt khe hơn, thời gian biểu thậm chí còn chính xác đến vài phút giây.

Vật liệu làm nhà kính nói trên được lựa chọn nghiêm ngặt, trang bị trí tuệ nhân tạo và thiết bị phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Sự đầu tư cực mạnh về thời gian và chi phí lao động là điều không tưởng.

Mặc dù vậy, không phải tất cả những quả dưa được hái xong đều có cơ hội nằm trên quầy của siêu thị, chúng sẽ phải trải qua nhiều rào cản mới có thể trở thành thành phẩm cuối cùng. Đầu tiên là kiểm tra ngoại hình, những quả có vết sưng, lõm, thậm chí là kém tròn trịa sẽ bị loại bỏ.

Quá trình cuối cùng là kiểm tra độ ngọt bằng cách nếm. Các loại trái cây thông thường thường có độ ngọt khoảng 10 và được coi là chất lượng cao. Dưa cao cấp Yubari có thể có lượng đường từ 14-16.

Những người nếm thử thường phải thử khoảng 200 sản phẩm trong một lô, và cuối cùng dán nhãn kiểm tra chất lượng cho những quả đạt, đưa dưa Yubari nổi tiếng thế giới có thể đến tay mọi người.

  1. Tại sao Nhật Bản có thể tạo ra nông sản đắt bậc nhất thế giới?

Công nghệ nông nghiệp cao cấp của Nhật Bản không phải là bí mật, nhưng tại sao ít quốc gia trên thế giới có thể sao chép mô hình của Nhật Bản?

Một là tâm lý ham muốn thành công và thu lợi nhanh chóng. Thứ hai là ít người sẵn sàng đầu tư chi phí cao. Thứ ba là thiếu nông dân chất lượng cao và những người buôn bán trung thực. Và vai trò của chính phủ Nhật Bản cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.

Đúng là việc nâng cấp công nghệ trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng đi kèm với quá trình thử và sai, niềm háo hức mong muốn thành công nhanh chóng, tuy nhiên điều nhiều người thiếu chính là tinh thần ham học hỏi trong một lĩnh vực nào đó. Trung Quốc đã gặp vô số lần thử và thất bại đằng sau vẻ hào nhoáng của thịt bò Wagyu, gạo Koshihikari và dưa Yubari.

Lấy lợn đen Kagoshima của Nhật Bản làm ví dụ, nó được xếp vào danh sách ba loài lợn nổi tiếng nhất thế giới cùng với lợn len Hungary và lợn Iberia. Nhật Bản đã đưa giống lợn này vào cách đây hơn 400 năm, để lai tạo ra những giống lợn tốt hơn, họ cũng đã đưa các giống lợn từ khắp nơi trên thế giới về để lai tạo, sau hàng trăm lần thử nghiệm và so sánh.

Đầu tư cao có thể mang lại lợi nhuận cao. Đây là sự thật phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo số liệu ngân sách do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cung cấp, ngân sách cho nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 sẽ đạt 230,5 tỉ Yên.

Chất lượng của nông dân Nhật Bản cũng ở mức hàng đầu thế giới. Nông dân Nhật Bản nhìn chung có trình độ học thức cao và có thể sử dụng thành thạo các công cụ máy móc nông nghiệp hiện đại khác nhau. Để đẩy nhanh việc chuyển đổi và nâng cấp công nghệ trồng trọt, họ thậm chí còn tự túc đi kiểm tra thực địa ở nước ngoài. Điều đáng khen hơn nữa là nông dân Nhật Bản rất giỏi trong việc công bố kinh nghiệm trồng trọt của họ dưới dạng blog và báo để các học viên khác có thể học hỏi lẫn nhau và thúc đẩy sự phát triển chung của ngành.

Nông dân Nhật Bản có thể làm được điều đó là do khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ở Nhật Bản không quá rõ ràng, và mức sống của nông dân Nhật Bản cao hơn nhiều nước, bao gồm cả Trung Quốc, và một số nhóm thậm chí còn cao hơn người làm công ăn lương ở thành thị Nhật Bản.

Vấn đề hàng giả hoành hành các nước khác không tồn tại ở Nhật Bản. Bởi vì các quốc gia khác có thể bồi thường với mức phạt mấy năm tù hoặc phạt hành chính, trong khi ở Nhật Bản, bạn có thể phải bồi thường bằng cả cuộc sống của mình.

Ngoài những điểm trên, sự bảo hộ và trợ cấp của Nhật Bản trong lĩnh vực nông sản cũng rất hiếm các nước khác. Chính phủ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để cung cấp không gian hiệu quả cho việc nâng cấp công nghiệp. Ví dụ, Wagyu của Nhật Bản được công nhận là thịt bò quý tộc trên thế giới, và loại bò Kobe hàng đầu thường bị bán với giá cao ngất trời. Số liệu cho thấy những năm gần đây, lượng bò Kobe xuất khẩu hàng năm của Nhật Bản chỉ hơn 400 con, tức chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thị trường.

Vì quá quý giá nên ngày 3/3/2020, chính phủ Nhật Bản đã thông qua “Luật ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh nguồn gen vật nuôi”, nghiêm cấm việc chuyển gen của bò Wagyu sang các quốc gia và khu vực bên ngoài Nhật Bản.

Để ngăn chặn các giống cây tốt của Nhật Bản tràn ra nước ngoài, vào ngày 1/4 năm nay, Nhật Bản đã thực hiện “Luật cây giống” mới và đồng thời ban hành danh sách các loại cây giống bị cấm mang ra khỏi Nhật Bản.

Nhật Bản đã cấm xuất khẩu các sản phẩm này vì hai lý do: một là nguồn cung trong nước đang thiếu và trước hết nó phải đáp ứng thị trường tiêu dùng cao cấp trong nước của Nhật Bản; hai là nước này phải kiểm soát vững chắc công nghệ cốt lõi của mình.

Bên cạnh bảo hộ nền nông sản giá trị cao, Nhật Bản còn có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân. 60% thu nhập của nông dân đến từ thu nhập sản phẩm và 40% còn lại đến từ trợ cấp của chính phủ. Khoảng cách nhỏ giữa thành thị và nông thôn cũng là một trong những nền tảng tạo nên sự ổn định cao của xã hội Nhật Bản.

Theo Zhuanlan.Zhihu

Giới nhà giàu Trung Quốc chi 55 triệu tham gia khóa học phân biệt hàng hiệu xịn và fake

]

Là thị trường lớn nhất thế giới về việc sản xuất - tiêu dùng những món đồ hàng hiệu (và cả những mặt hàng fake). Vì vậy, sở hữu năng lực phân biệt một chiếc túi xách Chanel thật hay giả từ một cái nhìn liếc qua chính là kĩ năng mà bất kì “dân chơi” nào trên khắp Trung Quốc cũng ao ước sở hữu.

Chính vì vậy, khi nghe tới khóa học “chuyên gia thẩm định hàng hiệu”, hội nhà giàu Trung Quốc đã đổ xô nhau đi đăng kí: Vì chỉ với 2.400 USD (55 triệu đồng), bạn sẽ trở thành một chuyên gia phân biệt hàng thật và giả, được đào tạo để phân biệt túi xách, thắt lưng và quần áo để có “bóc phốt” chúng thông qua số sê-ri, đường khâu và những chiếc logo được sản xuất dưới tay nghề tinh vi.

Học sinh tại khóa học ở Bắc Kinh phải trả khoảng 2.400USD để học cách phát hiện ra hàng thật - hàng giả

Sống tại trung tâm công nghệ phía nam của Thâm Quyến, Peng Jingjing đã có thời gian làm việc trong ngành tài chính, nhưng vài năm qua, cô bắt đầu kinh doanh túi xách cũ trên Taobao và WeChat.

Sau khoảng thời gian thu mua đồ từ mối người quen, Peng bắt đầu mở rộng việc làm ăn và nhập hàng từ người lạ. Đây cũng chính là thời điểm cô lo ngại sẽ bị lừa.

Tháng 5/2018, Peng, chồng cô và 7 người khác đã tham gia một trong những khóa học đầu tiên dạy cách phân biệt hàng real và hàng fake tại Trung Quốc. Dùng kính lúp nhìn vào chữ lồng “LV” trên túi, Peng cố nhớ lại những gì được học: Đường vải trên túi Louis Vuitton giả thường chạy song song với góc của chữ “L”.

Sau 10 phút căng thẳng, cô và chồng đã thở phào nhẹ nhõm khi nghe các chuyên gia xác định đây là một chiếc túi thật chứ không phải fake.

Theo các nhà nghiên cứu thị trường UIBE Luxury China, các nhà máy của Trung Quốc sản xuất ra một lượng lớn hàng hiệu, phần lớn trong số đó được dành cho thị trường nội địa trị giá khoảng 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (617,7 tỷ USD).

Các học viên chấp nhận trả hàng nghìn USD với hy vọng kỹ năng mới sẽ giúp họ tự bảo vệ mình khỏi thị trường hàng nhái, hàng giả những thương hiệu xa xỉ đang nở rộ ở quốc gia tỷ dân.

Thị trường đồ cũ cũng đang bùng nổ khi nhiều người không sẵn sàng chi hàng nghìn đôla cho một chiếc túi xách mới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nổi tiếng là nơi sản xuất hàng nhái. Những giao dịch buôn bán hàng giả quy mô đã khiến các khách hàng tìm kiếm đồ hiệu giá rẻ sập bẫy.

Zhang Chen, người sáng lập Trường Phân biệt Hàng Hiệu Đặc biệt ở Bắc Kinh, cho biết nhiều người bị lừa bởi “hàng nhái hiện nay cực ít khác biệt” so với bản gốc.

Khóa học kéo dài bảy ngày của Zhang có giá 15.800 NDT (55 triệu đồng), nhưng ông này cho biết đó là một cái giá đáng phải trả vì trung tâm của ông đã tạo được chỗ đứng trong thị trường đồ cũ từ những ngày đầu thành lập.

“Người Trung Quốc mua 1/3 hàng hóa xa xỉ trên thế giới, nhưng tỷ lệ lưu thông 3% thấp hơn nhiều so với mức 25-30% ở các nước phương Tây”, Zhang nói với AFP.

Zhang Chen giảng dạy tại lớp học phân biệt hàng hiệu của mình

“Lớp lót của một chiếc túi xách Chanel đen phải là màu hồng”, Zhang nói với các học viên của mình. Ông này cũng hướng dẫn mọi người soi phần logo thương hiệu dưới ánh nắng mặt trời. “Các chữ cái sáng lên và đó là chính là hàng thật”.

“Việc biết những chữ cái nào trong logo Chanel sử dụng phông chữ hình chữ nhật thay vì hình vuông có thể giúp phát hiện ra một phần ba số hàng giả trên thị trường”, Zhang, người đã tự học kĩ năng thẩm định hàng xa xỉ cách đây 10 năm tại Nhật Bản, cho biết.

Các sinh viên của ông đều là những người giàu có nhưng thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, bao gồm cả cựu biên tập viên của một tạp chí thời trang từ Thượng Hải và một người pha chế đang tìm kiếm một khởi đầu mới sau khi công việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

“Tôi nhận ra rằng những chiếc túi hàng hiệu đã qua sử dụng có thể được bán với giá rất tốt,” nhà kinh doanh thị trường chứng khoán Xu Zhihao, 31 tuổi, cho biết.

Một chiếc túi xách Louis Vuitton Neverfull mua cách đây hai năm vẫn có thể được bán với giá 9.000 NDT trên các nền tảng mua bán đồ cũ, trong khi một chiếc túi Chanel Gabrielle nhỏ có giá khoảng 60 đến 70% giá trên kệ.

Bên cạnh học viên học trực tiếp, Zhang còn có các khách hàng online, những người thường xuyên chụp ảnh các mẫu đồng hồ, túi xách, quần áo cần thẩm định và gửi cho ông. Zhang nói rằng trong hầu hết trường hợp, mình chỉ mất khoảng 10 giây để biết sản phẩm có phải là thật hay không.

Nguồn: SCMP

Đức 2 Xích

Soobin Hoàng Sơn kỷ niệm sinh nhật tuổi 28 với trang sức LV Volt

]

Soobin Hoàng Sơn đã công bố những hình ảnh mới mừng sinh nhật 28 tuổi cá tính với trang phục từ Louis Vuitton đẳng cấp

Soobin Hoàng Sơn không còn là một cái tên xa lạ với khán giả Việt Nam. Chàng ca sỹ 28 tuổi từng được mệnh danh là “hoàng tử underground”. Chiến thắng trong cuộc thi The Remix 2016 đẩy tên tuổi anh trở thành một ca sỹ chính thống. Năm 2017, anh chàng đã được mời làm huấn luyện viên cho The Voice Kid trên sóng truyền hình quốc gia. Loạt hit của anh như Phía sau một cô gái, Đi để trở về đạt cả trăm triệu view. Các nhãn hàng như Samsung, Huawei cũng đua nhau mời anh làm đại diện. Thành công của Soonbin quả thật khó phủ nhận.

Không chỉ thu hút bởi giọng hát ngọt ngào, đậm chất trữ tình, Soobin còn lôi cuốn bởi ngoại hình sáng và phong cách ăn mặc sành điệu. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 28, anh chàng đã công bố những hình ảnh mới với trang phục và phụ kiện từ nhãn hiệu Louis Vuitton đẳng cấp.

Lịch lãm với áo sơ-mi

Trong bộ ảnh, Soobin diện tới bốn bộ trang phục, và thay đổi giữa hai phong cách. Điều đó cũng phản ánh chân thật sự đa dạng trong gu thời trang của anh. Trong những tấm hình đầu tiên, Soobin mặc chiếc áo sơ mi lụa màu đen từ Louis Vuitton.

Chiếc áo được in logo LV lồng ghép vào những hoạ tiết hoa lá một cách tinh tế. Khoác ngoài là chiếc áo vest, đem lại vẻ đẹp lịch lãm. Tone màu đen trắng, càng tăng thêm nét cổ điển, cá tính cho anh chàng.

Tiếp đó, Soobin diện chiếc áo LV Clouds thuộc bộ sưu tập Thu Đông 2020 mới nhất. Chiếc áo in hình mây trên nền trời xanh phản ánh chủ đề “Thiên đường nơi hạ giới” (Heaven on earth).

Đáng chú ý hơn, Soobin còn đeo cả bộ trang sức kim cương đẳng cấp từ bộ sưu tập LV Volt. Thiết kế hai chữ LV bằng vàng, lồng ghép vào nhau tinh tế nâng niu viên kim cương ở giữa. “Một bản hòa ca của vàng và kim cương” theo Soobin.

Trẻ trung với áo tee

Ở những khung hình khác Soobin lại diện áo thun trẻ trung của Louis Vuitton.

Diện mẫu áo trắng dập nổi monogram truyền thống của Louis Vuitton, Soobin phối cùng mắt kính đen sành điệu. Pose dáng cool ngầu, khéo khoe nhẫn, vòng tay đẳng cấp từ bộ sưu tập LV Volt.

Tiếp theo Soobin chọn mẫu áo thun Louis Vuitton Wood Grain Ottoman. Những đường thêu màu đen trên nền áo nhiều màu tinh xảo tạo ra những dập nổi như vân gỗ thú vị. Khoác ngoài là chiếc áo bomber jacket. Phần tay áo có những mảng ghép từ da tạo hoạ tiết camo cá tính. Lấp lánh trên tay, trên cổ vẫn là những phụ kiện vàng, kim cương đầy mạnh mẽ từ LV Volt.

Bạn có thể học cách Soobin phối chiếc kính màu trắng với set đồ này thay vì kính đen. Gọng trắng của kính làm gương mặt của Soobin sáng hơn và cũng bật lên ăn nhập với logo LV màu trắng trên áo khoác.

Bộ ảnh mới của Soobin Hoàng Sơn không chỉ là một kỷ niệm đẹp ăn mừng tuổi mới. Nó cũng là minh chứng cho tầm vóc trong làng giải trí của chàng ca sỹ. Chứng minh cho những thành tựu đã đạt được ở độ tuổi còn rất trẻ.